Hội thảo “Văn hóa giao thông với văn minh đô thị” tại Đà Nẵng
Ngày 16-5, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật phối hợp Ban An toàn giao thông thành phố và Tạp chí chuyên đề Đô thị & Phát triển tổ chức Hội thảo “Văn hóa giao thông với văn minh đô thị” Nhằm góp phần triển khai có hiệu quả Chương trình “Thành phố 4 an” trong đó có an toàn giao thông (ATGT) của thành phố và chào mừng Ngày Khoa học Công nghệ Việt Nam 18/5. Đến tham dự hội thảo có Phó Chủ tịch thường trực HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cùng đại diện các sở, ngành, UBND các quận huyện, hiệp hội và các nhà khoa học trên địa bàn thành phố.

Phát biểu khai mạc hội thảo, ông Phan Văn Chương, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT thành phố nhấn mạnh “xây dựng văn hóa giao thông, văn minh đô thị, là nhiệm vụ cấp bách, vừa mang tính lâu dài và khó khăn, đòi hỏi chúng ta phải kiên nhẫn hành động không mệt mỏi, bằng mọi cách thức, với cả hệ thống chính trị vào cuộc trên tinh thần trách nhiệm cao nhất… Đây là một động lực và là hành động thiết thực nhằm xây dựng văn hóa giao thông, văn minh đô thị, với mục tiêu cao cả nhất là thiết lập nền trật tự an toàn giao thông, góp phần trong việc kéo giảm tai nạn giao thông’’. Phát biểu tại hội thảo, Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn cho rằng, thành phố tuy đã có nhiều nỗ lực để cải thiện hạ tầng giao thông như cầu đường, bến bãi, đường sá… song bình quân hằng năm tai nạn giao thông trên địa bàn vẫn cướp đi sinh mạng của rất nhiều người do một trong những nguyên nhân được xác định chính là ý thức của người tham gia giao thông. Hội thảo lần này với chủ đề “Văn hóa giao thông với văn minh đô thị” là tiền đề quan trọng, tham mưu cho lãnh đạo thành phố ban hành các quyết sách liên quan văn hóa giao thông sau này. Ông Lê Văn Trung - Giám đốc Sở GTVT kiêm Phó trưởng ban thường trực Ban ATGT Đà Nẵng đã nhấn mạnh, “Văn hóa giao thông được biểu hiện bằng hành vi xử sự đúng pháp luật, theo các chuẩn mực của xã hội về lẽ phải, cái đẹp, cái thiện của người tham gia giao thông. Xây dựng văn hóa giao thông nhằm tạo nên thói quen cư xử có văn hóa, đúng pháp luật; coi việc tự giác tuân thủ pháp luật về đảm bảo TTATGT như một chuẩn mực đạo đức truyền thống và là biểu hiện văn minh hiện đại của con người khi tham gia giao thông”. Cũng tại hội thảo, ông Trần Đình Liễn cho rằng, trình độ văn hóa đô thị ở Đà Nẵng không đồng đều trên các địa bàn; cư dân vùng đô thị lâu đời có nếp nghĩ, lối sống khác với cư dân vùng mới đô thị hóa, nơi mà văn hóa đô thị và văn hóa nông thôn đang có sự giao thoa, nơi mà văn hóa đô thị mới hình thành trong phần lớn bộ phận thị dân mà mới hôm qua đây là nông dân với nếp nghĩ, lối sống của văn hóa nông thôn… Sau nhiều năm thực hiện chủ trương xây dựng văn hóa và văn minh đô thị, diện mạo của Đà Nẵng đã dần mang dáng dấp của một thành phố văn minh, hiện đại song so với yêu cầu thì: “Công trình thiết chế văn hóa còn thiếu…Văn minh đô thị chuyển biến chậm, có mặt còn bức xúc…Tình hình trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông còn diễn biến phức tạp”… Bên cạnh đó, ông cũng đề xuất khắc những hạn chế của văn hóa đô thị hiện nay và để văn hóa giao thông trở thành bộ mặt của văn hóa đô thị thì phải xây dựng môi trường văn hóa đô thị lành mạnh theo một số hướng chủ yếu: Nâng cao hơn nữa nhận thức và trách nhiệm xây dựng văn hóa đô thị trong đó có văn hóa giao thông; hình thành ý thức tự giác chấp hành pháp luật về trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông (ATGT) của công dân thành phố; Xây dựng nếp sống “thượng tôn pháp luật” của người Đà Nẵng trong đó có việc thượng tôn pháp luật về an toàn giao thông, tăng cường tính nghiêm minh của pháp luật; Gắn quy hoạch phát triển kinh tế xã hội với quy hoạch phát triển giao thông đô thị trên cơ sở dự báo khoa học về sự gia tăng dân số và phương tiện giao thông; Nâng cao năng lực quản lý đô thị và năng lực quản lý văn hóa đô thị.
|