An toàn thực phẩm
Về hoạt động tư vấn, hướng dẫn áp dụng các tiến bộ khoa học, kỹ thuật liên quan đến an toàn thực phẩm cho các cơ sở nuôi trồng, sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm
Lương thực, thực phẩm đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, cung cấp năng lượng cho con người sống và hoạt động. Để đảm bảo duy trì sự sống thì lương thực, thực phẩm trong khẩu phần ăn hằng ngày cần đảm bảo đầy đủ theo một tỉ lệ thích hợp các chất bột (cacbohiđrat), chất đạm (protein), chất béo (lipit), vitamin, chất khoáng và các chất vi lượng còn phải chú trọng đến mức độ an toàn của các chất dinh dưỡng này . Nhân loại đang đứng trước thách thức lớn về lương thực, thực phẩm. Dân số thế giới ngày càng tăng, nhất là ở những nước đang phát triển dẫn đến nhu cầu về lương thực và thực phẩm ngày càng cao. Cùng với đó, nhu cầu về lượng thực, thực phẩm sạch, an toàn, có chất lượng, đảm bảo ăn ngon, đang được đặt ra một cách gay gắt. Trong những năm gần đây, tình trạng vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm đã xuất hiện ngày càng phổ biến, gây ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe của người dân. Thí dụ: Sử dụng fomon để bảo quản bánh phở, nước mắm; ướp cá biển bằng phân đạm; sử dụng nước phế thải công nghiệp có các chất độc hại như một số ion kim loại nặng để tưới rau; sử dụng chất hàn the (muối natri borat) để chế biến giò, bánh phở, bánh cuốn, bánh đúc,... Có tình trạng này là do một số hóa chất có tác dụng bảo vệ thực vật, bảo quản thực phẩm, tăng tính thẩm mĩ cho thực phẩm, bởi vậy, dù biết khi tiêu thụ có tác dụng không tốt đối với sức khỏe con người, nhưng người chế biến vẫn cứ sử dụng. Nhiều vụ việc như sử dụng những hoá chất cấm dùng trong nuôi trồng, chế biến nông thủy sản, thực phẩm, việc sản xuất một số sản phẩm kém chất lượng hoặc do quy trình chế biến hoặc do nhiễm độc từ môi trường, đang gây ảnh hưởng xấu đến xuất khẩu và tiêu dùng của Việt Nam. Gần đây, một số vấn đề liên quan đến quản lý an toàn vệ sinh thực phẩm, sự khác biệt giữa các kết quả phân tích kiểm tra chất lượng sản phẩm vừa gây không ít khó khăn cho người sản xuất, vừa tạo thêm lo lắng cho người tiêu dùng trong khi chúng ta đang cố gắng nâng cao vị thế của đất nước với tư cách là một một thành viên bình đẳng của WTO. Tình trạng những người trồng rau vẫn hay sử dụng bừa bãi các hoá chất bảo vệ thực vật như các loại thuốc cấm, thuốc có độ độc cao, thuốc ngoài danh mục được phép sử dụng để phun trừ các loại sâu bệnh trên các loại rau quả, tiêm thuốc kích thích cho quả mau chín, ngâm ủ giá đỗ bằng các hóa chất tăng trưởng độc hại…đã làm tích luỹ một dư lượng nitrat rất lớn tồn dư trong rau, củ, quả. Ngoài ra, nhiều người trồng rau đã dùng nước thải sinh hoạt và nước thải chăn nuôi để tưới rau làm cho hàm lượng kim loại nặng và vi sinh vật gây bệnh trong rau quả cao hơn nhiều so với qui định của Bộ Y tế… Đó chính là nguyên nhân làm phát sinh các bệnh cấp tính, là mầm mống gây ra nhiều loại bệnh đặc biệt nguy hiểm. Các thực phẩm từ gia súc, gia cầm như: lợn, bò, gà, vịt… những người chăn nuôi cũng sử dụng những loại cám tăng trọng không rõ nguồn gốc để kích thích tăng trưởng, thậm chí những người kinh doanh thực phẩm còn sử dụng nhiều loại chất tẩy rửa thịt cá ôi thối để che mắt khách hàng. Thực hiện các nhiệm vụ theo chức năng qui định, trong thời gian qua, hoạt động tư vấn phản biện và giám định xã hội của Liên hiệp hội Đà Nẵng và các hội thành viên đã đem lại những kết quả nhất định, được lãnh đạo thành phố và các cơ quan, ban, ngành ghi nhận. Riêng về lĩnh vực liên quan đến an toàn thực phẩm, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thuộc LHH đã in ấn, phát hành 3.500 tờ rơi tuyên truyền về luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh; tiếp nhận, tư vấn và xử lý 26 vụ việc khiếu nại liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa, đo lường trong kinh doanh xăng dầu, tư vấn việc thực hiện một số dịch vụ truyền hình, internet, bảo hiểm …; tổ chức hòa giải hoặc chuyển cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền xử lý đối với các vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật và các đơn vị không có thiện chí hợp tác, giải quyết khiếu nại cho người tiêu dùng; tham gia đối thoại trực tuyến về công tác chống hàng giả, hàng nhái do cổng thông tin điện tử thành phố Đà Nẵng tổ chức; tham gia triển lãm, giới thiệu các kiểu sản phẩm là hàng giả, hàng kém chất lượng giúp người tiêu dùng có kiến thức và kĩ năng khi chọn mua sản phẩm. Ngoài việc chủ động tham gia các hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội về lĩnh vực ATVSTP, được sự đồng ý của UBND thành phố, LHH cũng đã chủ động phối hợp với sở KH&CN, Sở NN&PTNT, UBND huyện Hòa Vang xây dựng dự án sản xuất an toàn hai lĩnh vực rau cũ quả và lúa, đề xuất và được tổ chức VECO thuộc Vương quốc Bỉ đồng ý tài trợ triển khai từ năm 2016 đến 2021, trong đó gồm xây dựng qui trình kĩ thuật sản xuất sạch, xây dựng thương hiệu và bao tiêu sản phẩm cho người sản xuất…; LHH cũng đang phối hợp với Sở Công thương, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, Chi cục quản lý thị trường, Cục Sở hữu trí tuệ tổ chức Hội thảo “ Chống hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng”. Tuy vậy, sự tham gia tư vấn phản biện và giám định xã hội trong lĩnh vực ATVSTP của Liên hiệp Hội trong thời gian qua vẫn còn hạn chế. Từ thực trạng về ANVSTP, nhất là vấn đề quản lý nhà nước về ATVSTP hiện nay, LHH xin đề xuất một số giải pháp: Thứ nhất, Về phía quản lý nhà nước - Văn bản pháp qui, qui định về an toàn vệ sinh thực phẩm, từ trung ương đến thành phố không thiếu, nhưng trong thi hành còn chống chéo, khi phát hiện, việc xử lý vi phạm chưa đủ sức răn đe, ngăn ngừa vi phạm. Đề nghị thành lập Bộ phận chuyên trách quản lý, chỉ đạo VSATTP do 01 lãnh đạo UBND làm trưởng ban để điều phối chung, tạo sự thống nhất trong hành động. - Lực lượng kiểm tra, nhất là cấp quận huyện và xã, phường còn hạn chế về số lượng và trình độ nghiệp vụ, lại thiếu nhiều trang thiết bị kỹ thuật đáp ứng yêu cầu kiểm định, kiểm nghiệm tại chỗ, do vậy chưa quản lý được số lượng lớn thực phẩm từ các tỉnh đưa về, là một trong những nguyên nhân liên quan đến ATVSTP của thành phố. Để khắc phục tình trạng này, đề nghị tăng cường đầu tư nâng cao năng lực kiểm định, kiểm nghiệm của các phòng thí nghiệm. Thực tế cho thấy, đầu tư máy móc thiết bị cho kiểm nghiệm, kiểm định rất tốn kém, nếu không khai thác, phát huy có hiệu quả sẽ rất lảng phí, đề nghị UBND tính toán có chủ trương hợp nhất các phòng thí nghiệm từ các sở Y tế, Tài nguyên Môi trường, KH&CN… thành một Trung tâm thí nghiệm mạnh, có năng lực về cán bộ và thiết bị đáp ứng cho cả hoạt động nghiên cứu khoa học và kiểm định, kiểm nghiệm. - Đầu tư kinh phí cho hoạt động đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm còn hạn chế, ngay cả kinh phí kiểm nghiệm thực phẩm, xử lý, tiêu hủy thực phẩm không an toàn. Đề nghị lãnh đạo tp quan tâm tăng cường đầu tư kinh phí cho lĩnh vực này theo hai hướng : + Tăng cường kinh phí cho công tác quản lý ATTP theo hướng ngoài việc cho phép các quân huyện chủ động sử dụng toàn bộ số tiền phạt vi phạm ATTP, cần tăng cường kinh phí từ ngân sách nhà nước, bảo đảm đáp ứng yêu cầu công tác này, đặc biệt là kinh phí cho kiểm nghiệm, xử lý tiêu hủy thực phẩm không an toàn. + Tăng cường kinh phí hoạt động sự nghiệp cho các đơn vị sự nghiệp KHCN trực thuộc các sở ngành chức năng nhằm đẩy mạnh các hoạt động nghiệp vụ kĩ thuật hỗ trợ cho sản xuất sạch. - Chưa phát huy được vai trò các tổ chức, đoàn thể chính trị - xã hội trong tư vấn phản biện, trong việc tạo công luận và người dân tham gia giám sát bảo đảm ATTP và đấu tranh với các hành vi vi phạm, nhất là tại cơ sở. Đề nghị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, công tác tư vấn phản biện và giám định xã hội nhằm giúp cả người sản xuất và người tiêu dùng nhận thức sâu sắc ý nghĩa và tầm quan trọng trong việc sản xuất sạch, trong sử dụng thực phẩm sạch, an toàn. Các cơ quan báo chí tăng cường hơn nữa các bài viết, chuyên mục về ATTP; tăng cường đưa tin, tuyên truyền khách quan, trung thực, kịp thời về thực phẩm an toàn, nhất là các điển hình sản xuất, chế biến, lưu thông thực phẩm an toàn và các vụ việc vi phạm ATVSTP . Thứ hai, về phía các nhà sản xuất, Tăng cường biện pháp giám sát và xử lý nặng, buộc các nhà sản xuất thực phẩm tuân thủ nghiêm nhặt các qui định về VSATTP trong sản xuất và lưu hành sản phẩm theo tiêu chuẩn chất lượng đã công bố hoặc đã được chứng nhận hợp chuẩn, hợp qui; không được sử dụng hóa chất, phụ gia ngoài danh sách được nhà nước cho phép hoặc không có nguồn gốc ró ràng; Chủ động liên kết với các cơ sở nghiên cứu, các trung tâm dịch vụ, các nhà khoa học kĩ thuật thuộc các sở ngành của thành phố để được tư vấn hướng dẫn áp dụng các tiêu chuẩn kĩ thuật trong sản xuất; xây dựng và triệt để tuân thủ hệ thống chất lượng tiên tiến trong sản xuất để tạo ra sản phảm có thương hiệu đảm bảo an toàn VSTP.
|